Nghề dệt chiếu làng Hới Làng Hới

Làng Hới có nghề dệt chiếu ở làng Hới nổi tiếng đã đi vào văn học dân gian với câu vè:[6]

Ăn cơm Hom. Nằm giường Hòm. Đắp chiếu Hới.

Lịch sử phát triển

Với vị trí thuận lợi trồng nguyên liệu và giao thương, người dân nơi đây đã sớm học được nghề dệt chiếu và phát triển thành làng nghề truyền thống, thuyết nói là từ thời Tiền Lê-. Tuy nhiên, ban đầu làng chỉ dệt chiếu bằng phương pháp thủ công dệt bàn dệt đứng, không có ngựa đỡ sợi, cách dệt đơn giản nên sản phẩm không được đẹp và bền.[4][9][10]

Bước ngoặt quan trọng đưa nghề dệt chiếu Hới lên một tầm cao mới là vào thế kỷ 15 khi Phạm Đôn Lễ, người làng Hới, đỗ khoa thi Trạng nguyên năm 1481 thời vua Lê Thánh Tông, sau được cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc). Tại Quảng Tây, ông Lễ đã tiếp thu và học hỏi thêm những kỹ thuật dệt chiếu nằm tiên tiến hơn trong lĩnh vực dệt chiếu. Sau khi về nước, Phạm Đôn Lễ đã tích cực chia sẻ và truyền dạy và cải tạo quy trình dệt chiếu dân chiếu làng Hới: từ kỹ thuật dệt đứng, làng chuyển sang kỹ thuật dệt nằm, có ngựa đỡ sợi.[4][9][10]

Chính nhờ việc này, kỹ thuật dệt chiếu của người dân Hới có bước tiến triển lớn. Sản phẩm chiếu ra đời từ đây đẹp và bền hơn rất nhiều, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng và ngày càng được ưa chuộng. Nghề dệt chiếu truyền thống của làng Hới từ đó có dịp phát triển mạnh mẽ, làm nên tên tuổi và trở thành một trong hàng thủ công chuộng dùng trong nhiều lĩnh vực từ sinh hoạt bình thường đến cung đình, lễ hội trong cả nước cho đến ngày nay.[4] Do công lao này, ông Lễ còn được gọi là Trạng Chiếu và tôn vinh thờ cúng như tổ nghề trong làng, và làng Hới cũng là làng nghề chiếu duy nhất có tổ nghề ở Việt Nam.[10]

Chiếu làng Hới trong Đền TrầnTràng An, Ninh Bình, Việt Nam.

Hoạt động dệt chiếu

Cói và sợi đay là hai nguyên liệu chính để làm chiếu Hới là hai loại cây rất dễ trồng trồng ở những vùng gần sông nước, nơi có nhiều phù sa bồi đắp. Làng Hới nằm giữa hai con sông lớn là sông Hồngsông Luộc, là khu vực thổ nhưỡng tốt để trồng những loại cây này, đồng thời vị trí này cũng là tiền đề thuận lợi trong việc giao thương mua bán các loại nguyên liệu, phẩm màu dệt chiếu khác.[4] Nguồn cói ở đây trước được trồng chủ yếu tại địa phương, mua từ vùng Thanh Hóa hoặc các huyện lỵ trồng cói lân cận.[11] Hiện tại do nhiều khu vực truyền thống trồng cói đã không còn, cói dùng trong hoạt động sản xuất đang được thu gom từ những vùng xa hơn như là miền Nam Việt Nam.[7]

Sau khi thu hoạch hoặc mua về, cói sẽ được chuyển đến quy trình sản xuất chiếu. Để tạo ra một chiếc chiếu hoàn chỉnh, cói phải đi qua nhiều bước, bao gồm việc gặt cói và dựa vào loại chiếu cần tạo, sợi cói và sợi đay sẽ được nhuộm màu phù hợp hoặc để cói trắng, sau đó cói sẽ được phơi khô, làm sạch và tuyển lựa trước khi mang đi dệt.[4][12]

Chiếu cói sau khi đã được dệt xong theo đúng kích thước, sẽ được người thợ cẩn thận cắt bỏ những sợi cói dư thừa, sau đó buộc chặt (hoặc may viền) để đảm bảo độ bền. Tại thời điểm này, chiếu có thể được đưa ra thị trường hoặc được mang đi vẽ hoặc in màu để tăng thêm vẻ đẹp.[12]

Chiếu Hới có sự đa dạng về loại hình, bao gồm chiếu cài hoa, chiếu trơn, chiếu sợi xe, trong số đó một số trở thành loại hình chiếu riêng biệt có tên riêng như chiếu Gon, chiếu Nảy.[6][11] Ngoài ra, các nghệ nhân dệt chiếu nhiều kinh nghiệm nhất thường có thể dệt ra nhiều mẫu hoa văn khác nhau, từ hoa, chữ thọ, chữ lồng đến các họa tiết và hình thù phức tạp khác....[13][14] Chiếu làng Hới nổi tiếng lúc mới sợi mịn trắng ngà, dễ nhìn, hương thơm từ cây cói cùng với kỹ thuật làm biên riêng biệt so với các làng khác và ngoài để nằm, ngồi còn có thể dùng đắp giữ ấm được.[15][16] Khi sử dụng trong thời gian dài, chiếu chuyển sang màu vàng, độ mềm mại tốt, dễ làm sạch, thoáng đãng, nước thoát nhanh, khô nhanh.[7] Nghề dệt chiếu ở làng Hới ban đầu là dệt thủ công công suất khoảng 1-2 chiếu với hai thợ trong vòng 1 ngày;[7] còn hiện nay có thể tăng lên tới 20 đôi một ngày dưới sự hỗ trợ của các loại máy móc cơ khí dệt chiếu.[12]

Hoạt động giao thương

Từ xưa, việc giao thương chiếu của làng Hới chủ yếu qua các chợ ở gần làng. Tại đây, chiếu được thu gom và đi tiêu thụ khắp cả nước. Tương truyền chiếu làng Hới cũng từng là vật phẩm tiến vua khi xưa.[4]

Việc mua chiếu Hới ở chợ đã trở thành một nét văn hóa dân gian ở địa phương.[4] Tiêu biểu là hội chiếu làng Hới diễn ra vào khoảng ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, làng tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động, trong đó có cuộc thi dệt chiếu. Đầu mùa xuân, du khách thường mua chiếu như một phong tục cầu may. Sau Tết Nguyên đán, làng tổ chức lễ hội với phiên chợ chiếu xuân. Trong sân đình, có cuộc thi dệt chiếu giữa các giáp. Giải thưởng không chỉ là điềm may đầu năm mà còn là tiếng tăm về tài nghệ và uy tín của từng phường, ảnh hưởng đến uy tín làm nghề.[4]

Đến thời Pháp thuộc, việc giao thương được mở rộng hơn, khi chính quyền khi này mở những trung tâm dệt chiếu và thu gom chiếu thành phẩm ở các khu vực lân cận như ở Luật Trung (Kiến Xương), Diêm Điền (Thái Thụy) để đưa đi Hồng Công hoặc châu Âu.[4] Hiện tại, việc trao đổi chiếu vẫn diễn ra ở các chợ hoặc thông qua các đại lý nguyên liệu kiêm tiêu thụ, như thống kê năm 2016, khu vực có 6 đại lý chính đảm nhiệm việc cung cấp nguyên liệu và mua lại sản phẩm từ cả làng. Số lượng chiếu được tiêu thụ trực tiếp tại địa phương không nhiều. Hầu hết chiếu được các đại lý thu mua và phân phối đến nhiều vùng khác trên cả Việt Nam, hay xuất khẩu đi Lào, Campuchia, Thái Lan... còn số lượng tiêu thụ tại chỗ là rất ít.[7][8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Làng Hới https://sovhttdl.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/du-lich/g... https://vov.vn/du-lich/check-in/net-doc-dao-rieng-... https://baotangphunu.com/nghe-det-chieu-thu-cong-t... http://quehuongonline.vn/ban-sac-van-hoa/nghe-chie... https://langngheviet.com.vn/lang-nghe-det-chieu-ho... https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/52/151253/co-nh... https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Chieu-Gon-lang-Ho... https://dantoctongiao.congly.vn/nghe-det-chieu-lan... https://baohaiduong.vn/den-tho-ba-nguyen-thi-lo-o-... https://sovhttdl.thaibinh.gov.vn/tin-tuc/trao-doi-...